Qua bài viết này, các bạn
có thể thấy rằng không có gì khó khăn lắm trong việc sử dụng hệ điều hành miễn
phí, mã nguồn mở Ubuntu - một giải pháp thay thế cho Windows khi vấn đề bản
quyền và chi phí được đặt ra, nhất là đối với các doanh nghiệp. Mã nguồn mở và
miễn phí, dễ dàng cài đặt và sử dụng, giao diện thân thiện và gần gũi, ứng dụng
tích hợp phong phú và thao tác đơn giản, đó là những đặc điểm mà người sử dụng
đã và đang nhận ra trong quá trình khai thác hệ điều hành ưu việt này.
Bài viết sẽ hướng dẫn bạn đọc làm quen với hệ
điều hành Ubuntu, khai thác các ứng dụng sẵn có. Đồng thời, bạn đọc cũng sẽ hiểu
rõ và thực thi được các thao tác quản trị hệ thống như cập nhật, cài đặt, cấu
hình... nhằm tối ưu hoá Ubuntu để đạt hiệu quả cao trong công việc của mình.
1. Làm quen với Ubuntu
- Thay đổi background: sau khi đăng nhập, bạn có thể thay đổi background của màn
hình làm việc bằng cách bấm chuột phải lên desktop, chọn Change Desktop
Background. Trong hộp thoại hiện ra, bạn chọn một background phù hợp trong danh
sách. Bạn cũng có thể chọn các background khác trên đĩa cứng của mình bằng cách
bấm nút Add Wallpaper, trỏ đến vị trí lưu background mong muốn. Cuối cùng, bấm
nút Finish để hoàn thành thao tác này.
- Tạo file và thư mục: bạn có thể tạo file hoặc thư mục ngay trên desktop bằng
cách bấm chuột phải, chọn Create Folder hoặc Create Document > Empty File. Thao
tác này cũng được thực hiện một cách tương tự khi bạn di chuyển vào các thư mục
của hệ thống.
- Hiệu chỉnh số lượng workspace: không giống như Windows, bạn có thể làm việc
với máy tính Ubuntu trên nhiều màn hình làm việc khác nhau (virtual screen -
workspace). Theo mặc định, Ubuntu có sẵn 2 workspace dành cho bạn. Nếu muốn tăng
hoặc giảm số lượng, bạn kích chuột phải vào biểu tượng Workspace Switcher ở góc
phải bên dưới của màn hình làm việc, chọn Preferences. Tại màn hình Workspace
Switcher Preferences, bạn thay đổi số lượng workspace ở mục Number of
workspaces. Nếu muốn di chuyển qua lại giữa các workspace, bạn bấm tổ hợp phím
Ctrl-Alt-Allow Key.
- Thiết lập screensaver: để thiết lập screensaver nhằm hiển thị các hình ảnh
chuyển động khi máy tính ở trong thời gian không sử dụng, bạn vào menu System >
Preferences, chọn Screensaver. Trong màn hình Screensaver Preferences, bạn chọn
một hình ảnh phù hợp, điều chỉnh thời gian để screen xuất hiện (mặc định là 10
phút). Nếu muốn Ubuntu khóa màn hình khi screensaver có hiệu lực, bạn đánh dấu
chọn vào mục Lock screen when screensaver is active. Sau khi đã hoàn thành, bấm
nút Close để lưu lại những thay đổi vừa mới thiết lập.
- Làm việc với file và thư mục: Ubuntu cung cấp công cụ Nautilus giúp chúng ta
quản lý hệ thống file và thư mục. Với công cụ này, bạn có thể tạo, sửa, xóa và
thực hiện mọi thao tác truy cập tài nguyên nội bộ và trong mạng một cách đơn
giản. Trên cửa sổ chính của Nautilus, bạn có thể duyệt toàn bộ hệ thống file cục
bộ bằng cách bấm vào biểu tượng Computer. Nếu muốn truy cập tài nguyên trong
mạng, bạn vào menu Go, chọn Network.
2. Khai thác ứng dụng trên Ubuntu
Tất cả các ứng dụng sẵn có trên Ubuntu và những ứng dụng được cài đặt bổ sung
đều được sắp xếp vào các mục trong menu Applications. Cụ thể:
- Accessories: chứa những ứng dụng cơ bản thường dùng trên Ubuntu như
Calculator, Terminal (cửa sổ dòng lệnh), Text Editor (tương tự Notepad). Mục này
cũng chứa tiện ích chụp màn hình Take Screenshot.
Take Screenshot có 2 cách để chụp màn hình. Với tùy chọn Grab the whole desktop,
bạn chụp toàn bộ màn hình; với Grab the current window, bạn có được cửa sổ đang
tương tác hiện tại. Sau khi nhấn nút Task Screenshot, bạn nhập tên của ảnh và
chọn vị trí để lưu.
- Graphics: chứa những ứng dụng tương tác với ảnh như F-Spot với khả năng tổ
chức và chia sẻ hình ảnh, GIMP được xem như trình xử lý ảnh tương tự Photoshop,
gThumb với tính năng tổ chức lưu trữ và xem ảnh, XSane được dùng để scan.
- Internet: bao gồm các ứng dụng được dùng để khai thác và trao đổi thông tin
trên Internet. Tiêu biểu với trình duyệt Firefox, tiện ích gửi nhận email
Evolution và công cụ chat Gaim Internet Messenger.
Bên cạnh đó, Ubuntu còn cài sẵn tiện ích Terminal Server Client cho phép quản
trị server từ xa. Nếu muốn sử dụng Ubuntu để quản trị một server chạy hệ điều
hành Windows 2003 Server từ xa, bạn vào menu Applications > Internet, chọn
Terminal Server Client. Trong cửa sổ hiện ra, bạn nhập tên hoặc địa chỉ IP của
máy Windows, username, password và domain mà máy Windows đã kết nối vào. Sau khi
nhập xong, bấm nút Connect. Sau một vài giây, màn hình đăng nhập của Windows sẽ
xuất hiện, bạn nhập mật khẩu của account đã tạo ra trên Windows để bắt đầu quản
trị hệ thống của mình.
Theo mặc định, trình Terminal Server Client sử dụng chế độ hiển thị được thiết
lập sẵn khi kết nối đến hệ thống từ xa để quản trị. Chế độ này gây khó khăn cho
người quản trị khi thực hiện các thao tác từ xa vì không gian của màn hình bị
thu hẹp lại.
Để khắc phục, trên cửa sổ Terminal Server Client, bạn chọn tab Display, thay đổi
tùy chọn Use default screen size thành Operate in full screen mode. Với tùy chọn
mới này, bạn có thể điều chỉnh kích cỡ của màn hình làm việc từ xa theo ý mình
bằng tổ hợp phím Ctrl-Alt-Enter.
- Office: bao gồm những ứng dụng xử lý văn bản (Word Processor), thao tác với
bảng tính điện tử (Spreadsheet), tạo trang trình chiếu (Presentation) và tạo lập
cơ sở dữ liệu (Database).
- Sound & Video: gồm các tiện ích hỗ trợ giải trí. Bạn có thể tham khảo bài viết
Giải trí đa phương tiện trên Ubuntu đăng trên LBVMVT số 231 để biết chi tiết các
bước cài đặt và sử dụng các tiện ích này.
3. Quản trị Ubuntu
Các thao tác quản trị hệ thống Ubuntu bao gồm cài đặt, cấu hình và cập nhật các
phần mềm; thiết lập các thông số mạng; quản lý máy in; quản trị tài khoản...
Những chức năng chính mà bạn thường sử dụng sẽ là:
- Add/Remove: chức năng này được tổ chức trong menu Applications. Bạn sử dụng để
cài đặt và loại bỏ các phần mềm trong Ubuntu và trên danh sách sẵn có.
Để cài đặt một phần mềm, chẳng hạn trình gửi nhận email Thunderbird, bạn đánh
dấu chọn vào ô ngay trước tên của phần mềm này, tiếp đến bấm nút OK, chọn Apply
và nhập mật khẩu quản trị hệ thống. Sau bước này, Ubuntu sẽ download và cài đặt
phần mềm lên hệ thống của bạn. Để hoàn thành, bạn bấm nút Close trong hộp thoại
Changes applied.
Thao tác loại bỏ cũng được thực hiện một cách tương tự. Bạn bỏ dấu chọn tại ô
ngay trước tên phần mềm và thực hiện các bước như đã nêu ở trên.
- Places: menu này bao gồm các chức năng cho phép bạn khai thác tài nguyên trên
máy tính Ubuntu như Home Folder, Desktop, Computer, Search for Files... Bạn cũng
có thể khai thác tài nguyên trên mạng với chức năng Network.
- Preferences: nằm trong menu System, chức năng này cho phép bạn thực hiện các
thay đổi trên hệ thống như thiết lập lại các phím nóng đối với các chức năng
trên Ubuntu, đổi cấu hình hoạt động của chuột. Bạn cũng có thể điều chỉnh độ
phân giải, tạo lập các session để các ứng dụng có thể khởi động cùng lúc với
Ubuntu. Ngoài ra, nếu muốn cho phép các máy tính khác quản trị hệ thống Ubuntu
từ xa, bạn chọn Remote Desktop.
Trong màn hình Remote Desktop Preferences, bạn đánh dấu chọn vào ô Allow other
users to control your desktop để cấp phép quản trị từ xa. Các máy tính thực hiện
thao tác quản trị Ubuntu từ xa bằng cách sử dụng tiện ích VNC Viewer, nhập mật
khẩu mà bạn đưa vào ở mục Password.
- Administration: bao gồm các chức năng được dùng để tương tác với hệ thống. Tại
menu này, chúng ta có thể cấu hình các thông số mạng (Network), cấu hình máy in
(Printing); bật/tắt các dịch vụ hệ thống (Service).
Chức năng System Monitor cho phép bạn theo dõi trạng thái hoạt động của bộ vi xử
lý. Tương tự như Task Manager trên Windows, bạn có thể xem và tương tác với các
tiến trình đang hoạt động trên hệ thống Ubuntu.
Cũng từ menu này, bạn có thể quản lý file log của hệ thống (System Log); quản lý
tài khoản đăng nhập (Users and Groups); cấu hình ngày giờ (Time and Date) và
chia sẻ tài nguyên (Shared Sources).
Ngoài ra, còn phải kể đến Synaptic Package Manager. Phần mềm này cho phép bạn
quản lý tất cả các gói cài đặt trên Ubuntu. Với các tính năng hoàn toàn tương tự
công cụ apt-get (tham khảo ở phần sau), Synaptic cho phép bạn cài đặt, cập nhật
và loại bỏ các phần mềm. Đồng thời, Synaptic cũng giúp bạn bổ sung các nguồn cài
đặt mới (repositories) vào hệ thống.
4. Một số lệnh thường dùng
Dưới đây là một số lệnh được sử dụng phổ biến trên Ubuntu trong quá trình các
bạn tương tác với hệ thống.
# wget <địa-chỉ-download>: lệnh này sẽ download các gói cài đặt về thư mục hiện
thời. Đây là tiện ích có thể download file từ các HTTP và FTP server, rất thích
hợp với những kết nối chậm hoặc không ổn định. Wget có khả năng resume gói
download ngay tại vị trí bị ngắt. Để resume, bạn bổ sung REST với FTP server và
Range với HTTP server, với điều kiện các server này có hỗ trợ. Nếu muốn wget
chạy ở background, chúng ta bổ sung tuỳ chọn -b. Bạn có thể tham khảo đầy đủ các
tuỳ chọn bằng cách gõ lệnh man wget tại cửa sổ Terminal.
# aptitude update: aptitude là công cụ quản lý các gói cài đặt thuộc dòng Debian
(.deb) ở cấp độ high-level. Chúng ta có thể sử dụng công cụ này để cập nhật danh
sách phần mềm; thực hiện các thao tác cài đặt, cập nhật và loại bỏ các phần mềm
trên hệ thống.
Chúng ta thường sử dụng aptitude update trước khi cài đặt để cập nhật danh sách
các gói từ apt sources (/etc/apt/source.list). Lệnh này tương đương với apt-get
update. Bạn có thể tham khảo đầy đủ các tùy chọn bằng cách gõ lệnh man aptitude
tại cửa sổ Terminal.
# apt-get install : apt-get cũng là một tiện ích được dùng để tương tác với tất
cả các gói cài đặt trên Ubuntu, đặc biệt là chức năng cài đặt phần mềm với
apt-get install. Bạn có thể tham khảo đầy đủ các tuỳ chọn bằng cách gõ lệnh man
apt-get tại cửa sổ Terminal.
# dpkg -i & # dpkg -e : dpkg (Debian medium-level Package Manager) là công cụ
được sử dụng để quản lý các gói cài đặt có phần mở rộng .deb (gói cài đặt nhị
phân của các hệ điều hành Debian Linux). Chúng ta có thể dùng dpkg để cài đặt,
loại bỏ, cập nhật các phần mềm trên Ubuntu. Bạn có thể tham khảo đầy đủ các tùy
chọn bằng cách gõ lệnh man dpkg tại cửa sổ Terminal.
(Theo KHPT)